Hiểu để thương và tự hào nghề nấu đường thốt nốt truyền thống 100% nguyên chất

Đường thốt nốt làm từ một loại cây quen thuộc của người dân vùng sông nước. Nếu có dịp đến với vùng đất Tri Tôn, tỉnh An Giang, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hàng cây thốt nốt cao chót vớt, xanh tươi. Những hàng cây hiên ngang này tỏa bóng mát giữa tiết trời nắng nóng dù cho đất đai có khô cằn sỏi đá.

Thốt nốt là loại cây gắn bó với người dân nơi vùng đất này từ rất lâu, chẳng biết tự bao giờ. Chỉ biết rằng cây thốt nốt dễ sống, dễ thích nghi với môi trường, dâng tặng cho đời trái ngọt mật ngon. Từ những trái thốt nốt đó, người dân nơi đây sáng tạo ra một loại đặc sản quý ở xứ miền Tây sông nước mang tên đường thốt nốt. Và cứ thế, nghề cao quý này cứ truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Để có cơ hội thưởng thức thứ đặc sản dân dã này, bạn hãy sắp xếp một chuyến ghé thăm vùng đất Bảy Núi xứ An Giang này nhé.

  1. Đường thốt nốt vừa là nghề mưu sinh, vừa là truyền thống

Hãy một lần thưởng thức đường thốt nốt, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh đặc trưng, không ngọt quá gắt, thêm chút beo béo, hậu vị chua nhẹ. Chưa hết, dư âm của vị ngon ngọt ấy cứ vấn vương mãi ở vị giác, ở vòm họng.

Đường thốt nốt thơm ngon bao nhiêu, lại thấy thương những “nghệ nhân” làm ra nó bấy nhiêu. Thương người dân để rồi nhớ, để rồi trân trọng và tự hào về một loại đặc sản, một nghề thủ công truyền thống. Nghề làm đường thốt nốt vốn đã là kế mưu sinh của những người dân ở đây từ lâu. Tuy vậy chẳng ai biết tương lai nó có còn tiếp tục “sống” và phát triển nữa hay chỉ nằm co cụm ở một góc chợ quê bé nhỏ.

Nhiều cô chú tâm sự về những trăn trở của nghề. Trăn trở về những người trẻ đa số đã lên thành phố làm ăn và sinh sống, ở quê chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Cũng dễ hiểu thôi, vì thành phố là môi trường để phát triển bản thân. Nhưng họ vẫn hy vọng đâu đó sẽ có những người trẻ “ngược dòng” bỏ phố về quê. Về quê để tiếp tục viết tiếp ước mơ, viết tiếp câu chuyện mà ông bà, ba má họ còn đang dang dở.

  1. Đường thốt nốt được tạo nên với tất cả sự tử tế

Chứng kiến sự tần tảo, chịu khó của những người ra đồng từ sớm, leo lên cây thốt nốt cao tầm 20-30 mét để lấy mật hoa. Thương lắm sự can đảm, tận tâm mặc dù nguy hiểm vẫn luôn cận kề ở độ cao chót vót như vậy. Liệu có mấy ai vượt qua nỗi sợ hãi để thực hiện những công việc cần nhiều sự liều lĩnh đến vậy.

Chất lượng sản phẩm và sức khỏe người dùng luôn được đặt lên trên lợi nhuận. Ở đây mọi người làm ra sản phẩm với sự tử tế. Thương lắm những tấm lòng như vậy. Đường thốt nốt thành phẩm được làm từ 100% mật hoa thốt nốt nguyên chất. Không hề thêm bất cứ chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia hóa chất nào cả.

Từng công đoạn từ khâu lấy mật hoa, lọc để loại bỏ cặn bã và vỏ cây sên đến khi đứng giữa chảo lửa đảo đều rồi lọc qua nước nhất, nước nhì, nước ba; đánh tơi đường,.. đều toát lên một vẻ đẹp lao động đáng trân quý. Vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp của sự âm thầm, lặng lẽ, không cần đến sự công nhận, ghi nhớ của bất kì ai.

Đến nơi đây, mọi người chắc chắn sẽ càng thương mến sự hiền lành, chất phác, hảo sảng, mến khách, nụ cười luôn nở trên môi những còn người nơi đây. Có lẽ với họ, nấu đường thốt nốt không chỉ là công việc để mưu sinh đơn thuần mà nó còn là giá trị truyền thống, là quê hương, là gia đình đã gắn bó, chở che từ thuở ấu thơ.

Để chúng tôi kể cho bạn nghe về nghề nấu đường thốt nốt này qua những hình ảnh bên dưới nhé.

Cây thốt nốt cho những chùm quả hơi tròn màu nâu như thế này. Khi bỏ ra có 3 – 4 múi nhỏ, màu trắng, có mùi thơm rất riêng. Nếu đã đến đây, đừng bỏ qua dịp thưởng thức thứ quả này bạn nhé

Các “spider man” leo lên lấy mật hoa thốt nốt đấy ạ.

Đây là hoa đực của cây thốt nốt bạn nhé. Hoa cái qua thụ phấn từ hoa đực sẽ cho ra những chùm quả thốt nốt. Còn hoa đực thì sẽ có mật để làm đường thốt nốt.

Các bạn có thấy những mảnh gỗ nhỏ không ạ? Vì nước thốt nốt rất dễ bị chua nên cô chú cho vỏ cây sến khô vào để hạn chế quá trình lên men từ nước thốt nốt, đảm bảo nước thốt nốt vẫn còn tươi ngon tiếp tục các công đoạn tiếp theo.

Loại bỏ cặn bã

Nấu nước đường ở nhiệt độ không quá cao, tránh cho nước đường bị khét cháy, rồi cô chú lại lọc qua nước ba, nước nhì, nước nhất như vậy nè

Đến khi đường đã sánh có mùi thơm và màu đặc trưng rồi thì sẽ đánh tơi đường. Ngày xưa, cô chú đánh tơi bằng tay luôn ạ, nay có máy nên cô chú cũng đỡ nhọc một chút

đường thốt nốt

Tada, đường thơm ngon sánh mịn đây ạ!

—————————————————

✅Taymoon.com – Nơi chia sẻ thông tin hữu ích về mọi điều trong cuộc sống

🎬Subcribe kênh Youtube và Fanpage TAYMOON để cập nhật thêm nhiều điều thú vị và hữu ích hơn nữa nhé.