BIM (Building Information Modeling) là một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng (AEC) dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng. Những mô hình BIM này cao cấp hơn nhiều so với các bản vẽ 2D, 3D đơn thuần, chúng được tạo thành bởi các mô hình thông minh kèm theo rất nhiều thông tin, được thay đổi và cập nhật xuyên suốt quá trình phát triển dự án.
Triển khai áp dụng BIM trên thế giới
Do nhận thức rõ lợi ích của việc triển khai áp dụng BIM trong công tác đầu tư xây dựng công trình nên các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đã sớm xây dựng lộ trình áp dụng BIM đối với ngành xây dựng và đều xác định BIM là một chiến lược để tăng cường tính cạnh tranh, tăng năng suất thiết kế và thi công, giảm chi phí trong xây dựng và vận hành công trình.
Có 3 quốc gia đứng đầu trong việc áp dụng mô hình thông tin công trình. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia tiên phong trong mô hình áp dụng BIM vào các dự án xây dựng. Theo khảo sát, ứng dụng BIM tại Mỹ đã tăng từ 17% năm 2007 lên 71% năm 2012
Tại Anh, ở thời điểm hiện tại Anh là một đất nước mà việc áp dụng BIM có sự hỗ trợ từ chính phủ rất nhiều và việc áp dụng là “bắt buộc” xuất hiện từ những năm 2010 – 2011. Nước Anh cũng có những định hướng rất rõ ràng, họ đang trong giai đoạn chuẩn hóa ISO dành cho quốc tế với tham vọng là giúp các nước khác nhau có cách làm việc chung, cách nhìn nhận, cách hiểu giống nhau về các thuật ngữ, các qui trình, các yêu cầu, các yếu tố kĩ thuật khác để giúp BIM có thể đến rộng rãi trên quốc tế.
Singapore là nước Đông Nam Á thành công nhất trong việc áp dụng BIM. Đến thời điểm hiện tại họ đã trải qua 2 giai đoạn áp dụng BIM trong lĩnh vực xây dựng. Giai đoạn đầu là áp dụng các phần mềm đơn lẻ, giai đoạn 2 là phối hợp các phần mềm lại với nhau, giai đoạn 3 Singapor tham vọng đưa thiết kế điện tử, quản lí điện tử ra công trường thi công. Đặc biệt chính phủ Sing nhấn mạnh ứng dụng BIM sẽ là cơ sở để đổi mới, thay thế hoàn toàn quy trình quản lí công trình xây dựng bằng bản vẽ giấy sang bản vẽ điện tử.
Theo thống kê trên thế giới, khi áp dụng BIM bài bản sẽ:
- Giảm 50% thời gian lập kế hoạch
- Giảm 40% thời gian lam lại công việc thiết kế
- Giảm 30% lỗi thông tin
- Giảm 30% thời gian thực hiện dự án
- Giảm 20% chi phí xây dựng
Bản chất của BIM là cách thức làm việc. Nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng điều quan trọng không phải là chúng ta chuyển đổi phần mềm từ Autocad sang Revit mà là chuyển đổi từ xu hướng cad sang BIM – tức là chuyển đổi cách làm việc.
Để có một công trình phục vụ một mục đích nào đó của con người, thì ngành công nghiệp xây dựng phải tạo ra sản phẩm và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu chi phí xây dựng một công trình là 1 thì chi phí bảo trì phải là 5 và chi phí vận hành phải từ 50 đến 200, bởi thời gian sử dụng của một tòa nhà dài hơn rất nhiều thời gian xây dựng nên tòa nhà đó.
Vì vậy, ngành xây dựng cần phải thay đổi cách làm việc sao cho sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giảm giá thành, từ đó tiết giảm chi phí bảo trì lẫn chi phí vận hành. Đây là lợi ích mà BIM nhắm đến. Để đạt được những lợi ích đó, BIM được áp dụng không chỉ trong vòng đời dự án bao gồm: kế hoạch – thiết kế – thi công, mà cả trong vòng đời sản phẩm kế hoạch – thiết kế – thi công – vận hành. Nếu áp dụng không đầy đủ cho cả 4 giai đoạn thì không thể gọi là BIM.
—————————————————
Taymoon.com – Nơi chia sẻ thông tin hữu ích về mọi điều trong cuộc sống
Subcribe kênh Youtube và Fanpage TAYMOON để cập nhật thêm nhiều điều thú vị và hữu ích hơn nữa nhé.