Tâm trạng của chúng ta rất nhạy cảm với thế giới xung quanh. Những sự kiện đau buồn trong cuộc sống thường khiến chúng ta buồn bã. Tuy nhiên, những thói quen hàng ngày và lối suy nghĩ cũng có tác động lớn đến sức khoẻ tinh thần.

Sau đây là 9 cách mà bạn đang phá hoại sức khoẻ tinh thần của mình:
1. Không tập thể dục
Ngoài việc giữ gìn vóc dáng, các hoạt động thể chất đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao tâm trạng. Bên cạnh đó, việc tập luyện còn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của trầm cảm và lo lắng.
Tập thể dục thường xuyên đã được chứng minh là mang lại những lợi ích to lớn cho sức khoẻ tinh thần. Nếu không có nhiều thời gian tập trung vào các buổi tập luyện bài bản, hãy dành 15-20 phút vận động mỗi ngày, như đi bộ nhanh chẳng hạn.
2. Bừa bộn, lộn xộn
Dawn Buse – Tiến sĩ, nhà tâm lý học sức khỏe tại Trung tâm Y tế Montefiore, thành phố New York cho biết: “Sự bừa bộn khiến chúng ta cảm thấy bị đè nặng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó đã được chứng minh là có liên quan đến chứng trầm cảm, lo lắng và thậm chí là tăng cân.”
Những gì bạn có thể làm rất đơn giản. Hãy khiến mọi thứ trở nên gọn gàng và đơn giản hơn. Ví dụ nếu bạn không sử dụng một món đồ gì đó trong 12 tháng, hãy tìm cách thanh lý nó đi. Hãy mua trải nghiệm thay vì mua vật chất. Bạn có thể có cho mình một bữa tối hoặc một kỳ nghỉ đặc biệt.
3. Ngủ không đủ giấc
Bất cứ ai khi thiếu ngủ hay bị mất ngủ, kể cả người lớn và trẻ sơ sinh, đều thường có biểu hiện cáu kỉnh, căng thẳng và khó chịu với mọi thứ xung quanh. Nếu chứng mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ trở thành mãn tính, bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Hãy quan tâm hơn đến giấc ngủ của mình. Chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng góp phần vào cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Hạn chế caffeine, rượu bia trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Hạn chế sử dụng máy tính, máy tính bảng và điện thoại thông minh vào ban đêm….
4. Uống rượu bia
Rượu bia làm suy giảm hệ thần kinh, và có khả năng làm suy giảm tâm trạng. Hơn nữa, uống quá nhiều rượu bia vào buổi tối cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, kém tập trung và uể oải vào ngày hôm sau.
Bạn vẫn có thể uống một ít ở mức vừa phải. Một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam giới cũng mang lại một số lợi ích nhất định. Nếu đó là một dịp đặc biệt và bạn không thể không uống, hãy đảm bảo điều độ bản thân, đừng quá chén.
5. So sánh bản thân với người khác
Việc so sánh bản thân với người khác đôi khi sẽ là động lực để bạn cố gắng nhiều hơn, nhưng đôi khi điều này sẽ khiến bạn không cảm thấy hạnh phúc.
Khi bạn thấy mình không bằng người khác, trường hợp thứ nhất là bạn sẽ nỗ lực trau dồi để vươn lên. Trường hợp thứ hai là bạn thấy không hài lòng và chán nản về bản thân. Điều này không có lợi với sức khoẻ tinh thần của bạn. Hãy biết ơn những gì bạn đang có.
6. Dồn nén sự tức giận
Giận dữ, thất vọng là những phản ứng hoàn toàn bình thường trước những thử thách trong cuộc sống. Nhưng khi bạn kìm nén những cảm xúc đó và để cho sự giận dữ và bất bình của bạn ngày càng nhiều và trở nên tồi tệ hơn. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của bạn. Nếu có thể giải quyết vấn đề theo một cách tích cực, hãy làm điều đó. Nếu không, hãy học cách tha thứ và bỏ qua.
7. Làm việc quá nhiều
Khi bị mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn sẽ có xu hướng căng thẳng và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn. Một số khảo sát cho thấy, một người làm việc hơn 11 giờ mỗi ngày thường có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm gấp đôi. Bên cạnh công việc, hãy dành thời gian cho gia đình, bạn bè và các sở thích của bản thân.
8. “Ru rú” ở trong nhà
Việc ra ngoài và tiếp xúc với mọi thứ xung quanh giúp chống lại bệnh trầm cảm. Ngoài ra, không gian xanh và thiên nhiên có thể xoa xịu tinh thần của bạn. Nếu bạn làm công việc văn phòng, hãy tranh thủ thời gian nghỉ trưa để ra ngoài, đi dạo,… Ngay cả khi không có tâm trạng, hãy cố gắng kết nối với bạn bè và những người thân yêu, gặp gỡ cà phê hay đơn giản chỉ là một cuộc trò chuyện điện thoại.
9. Quá cầu toàn
Bạn quá cầu toàn và luôn cố gắng thực hiện mọi công việc một cách hoàn hảo nhất. Nếu không đạt yêu cầu hay gặp thất bại, bạn sẽ dễ thất vọng và cảm thấy tự ti hơn. Thay vì cầu toàn, hãy đặt ra nhiều mục tiêu có thể đạt được hơn, xem sai lầm và thất bại như một con đường để học hỏi. Cái bạn cần là tận hưởng quá trình chứ không chỉ là kết quả.
Lắng nghe cơ thể và quan tâm không chỉ sức khoẻ thể chất mà còn cả sức khoẻ tinh thần nữa nhé! Một sức khoẻ tinh thần tốt sẽ giúp bạn luôn lạc quan với mọi điều trong cuộc sống, chất lượng cuộc sống sẽ càng tốt hơn.
Xem thêm các bài viết chuyên mục sức khoẻ từ tay.com.vn
_____________________________________________________________________________
Tay.com.vn – Nơi chia sẻ, review, so sánh và đánh giá xếp hạng tất cả sản phẩm, dịch vụ từ nhiều lĩnh vực một cách KHÁCH QUAN – ĐẦY ĐỦ – TRUNG THỰC – CHẤT LƯỢNG.
Xem nhiều thông tin hữu ích hơn tại: https://tay.com.vn/
Subcribe kênh Youtube và Fanpage tay.vn để xem nhiều điều thú vị và hữu ích hơn nhé !