4 tips thay đổi chế độ ăn uống vừa khỏe vừa bảo vệ môi trường

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn. Nhưng liệu bạn đã biết rằng chế độ ăn uống của bạn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường? Theo một số liệu thống kê gần đây, 37% tổng lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường hằng năm đến từ các hoạt động sản xuất ra thực phẩm nuôi sống con người. Trong đó khoảng hai phần ba đến từ việc chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Chính điều này dẫn đến một làn sóng kêu gọi mọi người cắt giảm, hạn chế tiêu thụ những sản phẩm trên bằng cách chuyển sang chế độ ăn uống thuần chay, thậm chí một vài tổ chức môi trường còn thực hiện các chiến dịch tẩy chay chế độ ăn có thịt động vật vì theo họ, đây chính là nguồn phát thải ô nhiễm chính đang tàn phá môi trường sống của chúng ta.

Nhưng mà trăm năm Kiều vẫn là Kiều mà thịt thì vẫn là thịt. Và nó ngon.

Bên cạnh đó, một chế độ ăn thuần chay như khuyến cáo của các tổ chức môi trường có thể không phù hợp với một số cá nhân với những vấn đề về sức khỏe và tiêu hóa.

Tuy nhiên tin vui ở đây là chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng một chế độ ăn uống đầy đủ và ngon lành trong khi vẫn tự hào là một công dân “yêu hòa bình ghét chiến tranh, yêu màu xanh nhưng mong manh nơi cột sống” nếu biết để tâm ở một vài điểm nho nhỏ. Dưới đây là một số tips thay đổi chế độ ăn mà mọi người có thể áp dụng.

1. Ưu tiên dùng local food

Trái ngược với các local brand giá trên trời nhưng đồ giặc được 2 lần là bung chỉ, chúng ta có thể tự hào về chất lượng và sự đa dạng của các loại nông sản, thực phẩm được sản xuất bởi người Việt. Việc ủng hộ sản phẩm nội địa hoặc cụ thể hơn là sản phẩm được làm ra từ địa phương mà chúng ta sinh sống ngoài tác dụng đảm bảo được sự tươi ngon còn góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu phát thải ô nhiễm.

Trên thực tế, quá trình vận chuyển thực phẩm đều ít nhiều sử dụng nhiên liệu hóa thạch là xăng dầu và phát thải khí nhà kính. Đáng chú ý hơn cả là các sản phẩm hoa quả, trái cây tươi nhập khẩu vì chúng thường sẽ được vận chyển bằng đường hàng không bởi bản chất loại hàng này cực kì nhanh hỏng. Mà vấn đề ở đây là việc vận chuyển bằng đường hàng không có khả năng gia tăng lượng khí thải lên đến 50 lần so với hình thức vận tải biển.

Vậy nên bạn hãy thêm vào chế độ ăn của mình nhưng loại thực phẩm từ địa phương, vừa ủng hộ bà con nông dân lại vừa góp phần bảo vệ môi trường.

2. Cân đối việc sử dụng thịt đỏ

Nhóm thực phẩm thịt động vật, trứng, sữa (gọi chung là nhóm thực phẩm giàu protein) đóng góp tới hơn 80% lượng phát thải từ việc ăn uống của con người. Trong đó bò và cừu đang là ứng viên nặng ký bởi vì các yếu tố như diện tích đất canh tác, nguồn thức ăn chăn nuôi, quy trình chế biến và đóng gói cần thiết của 2 loại gia súc này sản sinh ra một lượng lớn chất thải.

Nhìn chung khi 1kg thịt đỏ tới được bàn ăn của chúng ta cũng đồng nghĩ với việc đã có khoảng 60kg CO2 được tạo ra trong quá trình chăn nuôi và làm thịt con vật. Trong khi con số này ở chỉ khoảng 6kg CO2 ở gia cầm, 5kg cho cá và 4.5kg cho trứng.

Vậy nên mặc dù beef steak kèm rượu vang nghe có vẻ sang trọng nhưng chỉ nên dành cho dịp đặc biệt với người đặc biệt thôi nhé. Bạn hãy thay đổi chế độ ăn hàng ngày của mình bằng cách hạn chế thịt đỏ, thêm vào chế độ ăn nhiều thịt gia cầm, cá, trứng, sữa,…

3. Sử dụng nguồn đạm thực vật nhiều hơn

Tăng cường chế độ ăn với những thực phẩm như các loại đậu, hạt khô hoặc chế phẩm từ thực vật giàu đạm cũng là một cách bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bản thân.

Sử dụng đạm thực vật nhiều hơn không có nghĩa là dừng hẳn việc tiêu thụ đạm động vật vì hàm lượng và giá trị dinh dưỡng của cả hai nhóm thực phẩm là khác nhau và cần kết hợp cả hai để tạo nên một chế độ ăn healthy và balance.

Vậy nên hãy cân đối chế độ ăn của bạn, ưu tiên sử dụng đạm thực vật nhiều hơn đạm động vật nhé. Món bún đậu yêu thích của bạn cũng đang là lựa chọn sống xanh đấy!

4. Hạn chế tối đa lãng phí thực phẩm

Đồ ăn không còn sử dụng được hoặc bị vứt đi chính là RÁC. Loại rác này chiếm đến 6% tổng lượng khí nhà kính được tạo trên toàn cầu, và có thể hạn chế được bằng những việc làm hết sức đơn giản của tất cả mọi người.

– Trong chế độ ăn của bạn, hãy tận dụng tối đa các phần ăn được của rau củ quả (bào vỏ cam để làm tăng hương vị cho món ăn hoặc làm bánh,…)

– Định lượng thực phẩm cần dùng cho chế độ ăn của bạn trong vòng một vài ngày, hoặc một tuần và hạn chế mua nhiều hơn số đó. Có thể tập thói quen lập thực đơn để có thể định lượng thức ăn cần mua tốt hơn

– Mua thực phẩm với hạn sử dụng dài nhất có thể

– Trữ đông các loại thực phẩm dễ hư nếu không sử dụng ngay

– Luôn biết trong tủ lạnh của mình đang có gì và tập thói quen sáng tạo với những thứ bạn có trong tủ lạnh

Chỉ bằng viêc thay đổi những thói quen nhỏ nhặt trong chế độ ăn hàng ngày, mỗi người trong chúng ta đều có thể đạt được mục tiêu sống xanh hơn, có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân nhưng cũng đồng thời làm được một việc tốt cho môi trường sống. Một mũi tên trúng nhiều đích thì ngại gì mà không thử nhỉ.

—————————————————

✅Taymoon.com – Nơi chia sẻ thông tin hữu ích về mọi điều trong cuộc sống

🎬Subcribe kênh Youtube và Fanpage TAYMOON để cập nhật thêm nhiều điều thú vị và hữu ích hơn nữa nhé.